Lễ khao lề thế lính tại đảo Lý Sơn

Vừa qua, trong ngày 21-22/4 (tức 15-16/3 âm lịch), 13 dòng họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như lời nhắc nhở con cháu đội hùng binh Hoàng Sa trung dũng, kiên cường bám biển và ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chiều tối ngày 21/4, các bô lão của 13 họ tộc cùng thực hiện lễ cúng tế, rước vong linh tổ tiên tại Âm linh tự, sau đó đưa bài vị cùng linh hồn tổ tiên về Đình làng An Vĩnh thực hiện các nghi thức truyền thống và đưa tiễn hùng binh vươn khơi trên 5 chiếc thuyền câu.

bao-ve-bien-dao1
Mô hình 5 chiếc thuyền câu tượng trưng cho phương tiện đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Theo sử sách ghi chép, cứ mỗi năm, chúa Nguyễn tổ chức tuyển chọn 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn, với nhiệm vụ dong thuyền buồm nương theo gió nồm để vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa bảo vệ bờ cõi và khai thác sản vật của biển. Thời gian thực thi nhiệm vụ vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, đến tháng 8 trở về cửa Eo (Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loại hải vật quý giá.

Lễ rước linh hồn tổ tiên tại Âm linh tự.
Lễ rước linh hồn tổ tiên tại Âm linh tự.

Tại đảo Lý Sơn, 70 hùng binh là 70 suất đinh được phân bố đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền theo nguyên tắc luân phiên nhau và người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ (vì người con trưởng phải ở nhà lo tế tự).

Trước lúc dong thuyền thực hiện nhiệm vụ, mỗi người lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây và 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống thì những món đồ đó là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu. Một số rất ít hùng binh có thi thể trôi về đất liền, chẳng hạn như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Cai đội Phạm Quang Ảnh (Ất Hợi, 1815), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (Ất Mùi, 1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (Bính Thân, 1836),…

Theo tục lệ, sau rằm tháng 2 âm lịch là lễ cúng tế ở từng họ tộc. Đến tháng 3 âm lịch, 13 tộc họ cùng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và đưa tiễn hùng binh ra khơi thực hiện nhiệm vụ.

Ngày nay, những ngư dân Lý Sơn đều là con cháu của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Ngoài công việc khai thác thủy sản, ngư dân Lý Sơn luôn nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo và quyết tâm bám ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

bao-ve-bien-dao3
Nghi lễ rước linh vị Đội hùng binh Hoàng Sa về Đình làng An Vĩnh.
bao-ve-bien-dao4
Các bô lão thực hiện nghi thức cúng tế.
bao-ve-bien-dao5
Đưa thuyền câu ra khơi.
bao-ve-bien-dao6
Kết thúc phần lễ khao lề là phần hội với hoạt động đua thuyền tứ linh truyền thống.

 

Theo: Dân Trí

0986487435